Đế hệ thi và Phiên hệ thi Gia đình Minh Mạng

Xem thêm thông tin: Đế hệ thi

Năm 1823, vua Minh Mạng đã làm bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi để quy định các chữ đệm đặt tên cho con cháu các thế hệ sau. Bài Đế Hệ Thi gồm 20 chữ, dùng làm chữ lót tên cho mỗi thế hệ từ vua Minh Mạng trở về sau[4].

Miên Hồng Ưng Bữu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Khang Kế Thuật
Thế Thụy Quốc Gia Xương

綿洪膺寶永
保貴定隆長
賢能堪繼述
世瑞國嘉昌

Ngoài ra nhà vua còn có 10 bài Phiên hệ thi để phân phát cho dòng dõi các anh em của mình, gồm 10 phòng: Anh Duệ (Thái tử Cảnh), Kiến An, Định Viễn, Diên Khánh, Điện Bàn, Thiệu Hóa, Quảng Oai, Thường Tín, Yên Khánh, Từ Sơn. Lại có quy định kể từ lúc đó khi hậu cung có người sinh hoàng tử hay hoàng nữ, đầy 100 ngày làm lễ bảo kiến [ẵm đến ra mắt vua] rồi chiếu theo đế hệ mà cho tên. Khi đã cho tên mới thì tên cũ thôi hẳn, không dùng nữa[5]. Tên các công tử thì lần lượt lấy các chữ ở bài thơ về công hệ nào chữ dưới thì lấy ngũ hành tương sinh(đất sinh ra vàng; vàng sinh ra nước; nước sinh ra cây; cây sinh ra lửa; lửa sinh ra đất) mà dùng bộ Thổ làm đầu.

Lời tựa nhà vua đề rằng[6]

Nhà nước ta họ Nguyễn, khởi phát từ Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa. Buổi đầu đời trước đã là họ lớn, đời đời làm quan đến hơn vài trăm năm, tích luỹ nhân đức, nên có ngày nay, thực có thể sánh với nhà Chu được. Do đó trời cho mệnh tốt, sinh ra Triệu tổ Tĩnh hoàng đế ta (Nguyễn Kim), gây dựng cơ đồ lớn, kế sinh Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta (Nguyễn Hoàng), dựng nền ở cõi Nam. Bèn lấy chữ Phước nối theo chữ Nguyên, gọi quốc tính là Nguyễn Phước. Các vua thánh nối nhau, thánh này nối thánh khác, rồi đến Hoàng khảo Thế Tổ Cao hoàng đế ta (vua Gia Long), dẹp yên họa loạn mà có cả nước Việt, sắc định Ngọc phả, lấy con cháu Thái Tổ vào Nam và dòng các vua thánh làm tôn thất họ Nguyễn Phước, con cháu Thái Tổ ở Bắc và các phái trước làm công tính họ Nguyễn Hựu. Đến như tên huý các thánh thì phần nhiều theo bộ Thuỷ; sau đến Thế Tông Hiếu Võ hoàng đế ta thì tên ngự và tên tôn thất cũng có khi dùng bộ Nhật. Truyền đến Hoàng khảo ta thì chuyên dùng bộ Nhật. Từ trăm năm gần đây, tôn thất sinh thêm nhiều, đặt tên phần nhiều trùng điệp, Hoàng khảo ở ngôi, ý muốn đổi lại chữ đặt tên để truyền cho con cháu dùng mãi lâu dài về sau, tiếc rằng việc chưa làm được. Trẫm nghĩ nối theo ý tốt tiền nhân để thành được chí của tiên thế, tự soạn ra 20 chữ bộ Nhật, dùng để cho người nối nghiệp về sau đến ngày nối ngôi có thể lấy một chữ làm tên, lấy theo nghĩa nhật là tượng trưng ngôi vua, mà chữ tên đặt khi tuổi nhỏ làm tên tự. Còn những con cháu và con cháu của anh em thì lại soạn những mỹ tự, chia làm dòng đế và các dòng của anh trẫm là Anh Duệ thái tử, cùng em trẫm là Kiến An công, Định Viễn công, Diên Khánh công, Điện Bàn công, Thiệu Hoá công, Quảng Oai công, Thường Tín công, Yên Khánh công, Từ Sơn công, cả thảy 10 hệ. Khi mới sinh xin đặt tên, thì tên hoàng tử chữ trên lần lượt lấy từng chữ ở bài thơ đế hệ, chữ dưới lấy chữ bộ nào về đời thứ mấy. Tên các công tử thì lần lượt lấy các chữ ở bài thơ về công hệ nào chữ dưới thì lấy ngũ hành tương sinh làm đầu. Ví như dòng đế, thì Miên Tông, Miên Định; dòng Anh duệ thì Mỹ Đường, Mỹ Thuỳ; dòng Kiến An thì Lương Kỳ, Lương Viên; dòng Định Viễn thì Tĩnh Cơ, Tĩnh Cận; dòng Diên Khánh thì Diên Vực, Diên Đề; dòng Điện Bàn thì Tín Kiên, Tín Phác; dòng Thiệu Hoá thì Thiện Khuê, Thiện Chỉ; dòng Quảng Oai thì Phượng Tại, Phượng Vu; dòng Thường Tín thì Thường Nhâm, Thường Dung; dòng Yên Khánh thì Khâm Thịnh, Khâm Bích; dòng Từ Sơn thì Từ Đàn, Từ Cương. Như thế thì thế thứ rõ ràng mà không lẫn, thân sơ phân biệt mà có thể biết rõ được. Cái đạo giữ luân lý hoà họ hàng từ đấy thịnh lên, mà chi phái ngọc diệp thiên hoàng từ đấy rõ rệt. Con cháu ta nên theo giữ phép hay, khiến cho gốc cành trăm đời truyền ức muôn năm, để mong người báo đáp trời và tổ tiên cho mệnh tốt.

Minh Mạng hi vọng rằng con cháu mình nối tiếp đế nghiệp sẽ kéo dài được khoảng 500 năm, tương ứng với 20 đời[7]. Tuy nhiên thực tế nhà Nguyễn chỉ được đến đời thứ 5 (Vĩnh) thì bị lật đổ bởi Cách mạng tháng Tám.